Hơn 60 ngày chạy đua tìm việc của chàng trai Hà Nội ở Mỹ
11 tháng trước
9.41K lượt xem
Gửi đi khoảng 800 đơn xin việc trong hai tháng kể từ ngày bị sa thải, Thiện Minh nói đã trải qua thời gian tồi tệ nhất trong hơn 10 năm ở Mỹ.
8h sáng ngày 30/11/2022, Phạm Thiện Minh, 29 tuổi, ở thành phố New York, nhận được email của DoorDash - công ty giao đồ ăn trực tuyến lớn nhất, thông báo anh bị sa thải, kèm chi tiết về các khoản hỗ trợ.
Ngày hôm trước, Minh còn đứng đầu một đội về quản lý tài chính ở công ty này. Anh đã có hơn 10 năm học và làm trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ, sở hữu bằng cử nhân Kế toán, thạc sĩ về Khoa học dữ liệu và chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp (CFA), chứng chỉ kiểm toán (CPA).
"Dù làn sóng sa thải (layoff) thời điểm đó khiến giới công nghệ chao đảo, tôi vẫn không thể tin vào mắt mình. Tôi biết tình trạng tài chính của công ty đang rất tốt", Minh nhớ lại.
Minh gọi điện cho người quản lý, hy vọng tất cả chỉ là nhầm lẫn. Vị này cũng bất ngờ, nói sẽ kiểm tra lại. Sau 10 phút, thông tin được xác nhận. Minh nằm trong số 1.250 người bị DoorDash sa thải.
Phạm Thiện Minh bên ngoài ban công căn hộ ở New York, tháng 3/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vào thời điểm nhận tin sa thải, chỉ còn 7 ngày nữa, mẹ của Minh sẽ sang chơi. Trong khi đó, theo luật Di trú Mỹ, những người nước ngoài có visa H-1B (thị thực tạm trú diện lao động) như Minh có 60 ngày để tìm một công việc mới. Nhờ sự hỗ trợ của công ty cũ, Minh được thêm 30 ngày nữa.
Nghĩ đến những khó khăn khi mất việc vào thời điểm cuối năm - mùa đóng băng tuyển dụng ở Mỹ, lại thêm làn sóng layoff và quy trình phỏng vấn kéo dài hàng tháng trời, Minh cảm thấy áp lực. Nhưng Minh cũng không cam tâm rời nước Mỹ trong tình cảnh như vậy.
"Chỉ còn cách đâm đầu vào xin việc nếu không muốn bị tống đi một cách đột ngột và bỏ lại hết công sức đã gây dựng ở Mỹ", Minh tự nhủ, gọi về nhà kể lại mọi việc với mẹ, dặn bà yên tâm sang Mỹ như kế hoạch.
Trong đầu Minh lúc này việc cần làm là giữ tinh thần vững vàng, tìm kiếm tất cả tin tuyển dụng trong lĩnh vực Tài chính, Dữ liệu. Anh cũng lên "phương án B", rằng nếu đến tháng 2/2023 vẫn chưa xin được việc, anh sẽ trở về Việt Nam hoặc đăng ký thêm một chương trình nào đó ở đại học Mỹ.
Để ứng tuyển, Minh cần chuẩn bị CV (Sơ yếu lý lịch) và Cover letter (Thư xin việc). Chàng trai 29 tuổi lục tung các thư mục trong máy tính để tổng hợp kinh nghiệm, dự án từng làm, cũng như kết nối các mối quan hệ để xin thư giới thiệu. Với thư xin việc, Minh dùng ChatGPT để làm nhanh nhất có thể.
Buổi chiều hôm ấy, Minh gửi đi được email xin việc đầu tiên. Minh sau đó lần lượt gửi hồ sơ đến nhiều công ty trên khắp nước Mỹ. Tuy vậy, hơn 70% công ty từ chối ngay lập tức, bởi hồ sơ của Minh kèm đề nghị bảo lãnh visa H-1B.
Biết không nên "kén cá chọn canh" vào thời điểm này, Minh đổi chiến thuật, ứng tuyển vào cả những công ty không hỗ trợ visa, thậm chí chấp nhận mức lương thấp hơn so với kinh nghiệm.
"Mức lương của quản lý khoảng 130.000 USD (3 tỷ đồng) mỗi năm, nhưng tôi apply cả những công việc có mức 70.000-80.000 USD", Minh chia sẻ.
Cuối cùng, trong khoảng 800 hồ sơ gửi đi, Minh nhận được gần 60 cuộc gọi vào vòng phỏng vấn đầu tiên. Ở Mỹ, thông thường mỗi công ty tuyển dụng nhân sự qua 4 vòng, vì thế quy trình kéo dài đến cả tháng.
"Vòng thứ nhất, bộ phận nhân sự sẽ gọi hỏi về các thông tin ghi trong CV. Vòng thứ hai, một sếp phỏng vấn về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trong ngành. Vòng thứ ba, họ đưa ra đề bài yêu cầu giải quyết. Cuối cùng mới đến vòng trình bày sản phẩm trước hội đồng khoảng 4-5 người", Minh kể.
Theo Minh, vòng thứ ba là khó nhất, thường phải dành 4-5 tiếng để hoàn thành đề bài. Với đề bài của eBay, Minh mất 12 tiếng để xử lý dữ liệu nhằm "Phân tích chiến lược của eBay trong năm tới".
"Đây là một đề bài toàn diện, kiểm tra sự am hiểu về công ty, sản phẩm mảng thương mại điện tử và áp dụng kỹ năng của bản thân vào giải quyết", Minh đánh giá.
Đầu tháng 2, Minh vào đến vòng phỏng vấn cuối cùng của 30 công ty và có thư mời làm việc đầu tiên. Hôm 13/2, Minh nhận được thư mời làm việc từ eBay, tức hai tuần trước hạn chót của visa H-1B.
Minh nói trong hơn hai tháng chạy đua tìm việc, anh cố gắng giữ nhịp sinh hoạt bình thường, luôn để bản thân ở trạng thái bận rộn, tránh lo âu.
"Tôi gần như ở lì trong phòng, quay cuồng vì vừa viết hồ sơ gửi đi, vừa chuẩn bị phỏng vấn với những nơi được gọi, liên tục từ sáng tới chiều. Cuối tuần, tôi mới ra ngoài gặp bạn bè, tâm sự, cùng xem bóng đá hoặc luyện tập thể thao", Minh nói.
Chàng trai 29 tuổi đánh giá vòng tuyển dụng cuối cùng ở Mỹ đã trở nên thách đố hơn những năm trước rất nhiều. Không ít ứng viên từ các công ty Big Tech (công ty công nghệ lớn), ở vị trí quản lý bậc trung chấp nhận ứng tuyển xuống level (mức) thấp hơn. Cách đây vài năm, nếu vào đến vòng phỏng vấn cuối, Minh gần như chắc chắn nhận được việc. Nhưng trong đợt vừa rồi, tỷ lệ thành công của Minh chỉ khoảng 20%.
Ngoài hồ sơ mạnh về kinh nghiệm làm việc, Minh nói may mắn có sự liên kết cá nhân với một số người phỏng vấn.
"Nhiều cuộc phỏng vấn tôi thất bại vì không tìm được điểm chung với người hỏi. Ở eBay, tôi và người phỏng vấn đã nói chuyện thoải mái về pokemon - sản phẩm mà eBay đang quan tâm phát triển kinh doanh, nên nó diễn ra suôn sẻ", Minh chia sẻ.
Nguyễn Minh Phương, Quản lý vận hành sản phẩm tại Google, nói bạn bè sốc khi nhận được cuộc gọi của Minh báo bị sa thải.
"Nhưng anh Minh có một tinh thần thép, rắn rỏi so với những người cùng cảnh ngộ. Anh ấy bình tĩnh nhờ mọi người kết nối việc làm nếu có thể", Phương nhớ lại. Làm trong lĩnh vực công nghệ, Phương chứng kiến nhiều người suy sụp trước sức ép về thời gian tìm việc sau khi bị sa thải.
"Chuyện gửi đi vài trăm hay cả ngàn hồ sơ xin việc là bình thường ở Mỹ vào thời điểm đó. Số công ty gọi anh Minh vào vòng phỏng vấn cuối cùng là rất cao so với những trường hợp mà tôi biết", Phương nói.
Hiện tại, theo nhận định của Minh, thị trường việc làm ở Mỹ đã dần ổn định, những công ty nhỏ, trung bình hoặc công ty ngoài lĩnh vực công nghệ vẫn có nhu cầu nhiều về nhân sự.
Nhận việc ở eBay đã ba tháng, Minh vẫn chưa nguôi ngoai "kỷ niệm lần layoff đầu tiên". Theo lời Minh, hai ngày sau khi nhận tin sa thải, anh mới thật sự bình tĩnh để gọi điện nói chuyện với sếp cũ một lần nữa. Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 30 phút, người quản lý liên tục cảm ơn Minh về những điều đã làm cho nhóm, bày tỏ nuối tiếc vì không thể giữ anh ở lại.
"Sau khi cúp máy, tôi bật khóc, như chiếc nút chai cảm xúc lần đầu được vặn mở. Tôi rất yêu công việc và các đồng nghiệp của mình". Đấy cũng là lần duy nhất Minh rơi nước mắt trong hành trình tìm việc.
"Có lẽ cuộc sống hơn 10 năm ở Mỹ đã buộc tôi phải học cách tạm cất tâm tư như vậy", Minh nói.
Bạn đang hoặc có nhu cầu học và thi chứng chỉ Toeic? Bạn chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc chưa tìm thấy công cụ nào để học mọi lúc, mọi nơi? Hãy tải ngay App Luyện Thi Toeic Online: TOEIC® Max