Trường đại học mời học sinh đến trải nghiệm

11 tháng trước

6.66K lượt xem

Nhiều đại học tích cực cho học sinh đến tham quan, thực nghiệm, qua đó tư vấn, giúp các em hiểu rõ hơn về ngành, nghề, trước khi đăng ký xét tuyển.

Hôm 6/1, hàng trăm học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An và Nguyễn Siêu có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học, trường Hóa và Khoa học sự sống của Đại học Bách khoa Hà Nội. Các em được làm kit test thử nhanh virus và lên men sinh tổng hợp Beta Carotenoid sử dụng nấm men đỏ. Sau đó, tất cả tham quan hai dây chuyền chế biến rau quả và đồ uống, đánh giá các sản phẩm do trường nghiên cứu.

Ông Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết các hoạt động tương tự diễn ra thường xuyên vào các ngày cuối tuần.

"Những học sinh thực sự yêu thích trường và các ngành cụ thể có thể đăng ký trải nghiệm tại các phòng thí nghiệm chuyên ngành", ông Hải cho hay.

Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THPT ở trường đại học xuất hiện khoảng 5 năm trước, sôi động hơn sau dịch Covid-19. Hiện, hầu hết trường có hoạt động này, giúp học sinh có cái nhìn rõ hơn về ngành, nghề, trước khi đăng ký xét tuyển đại học.

Tương tự, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có các "lab tour" cho học sinh phổ thông. Như hồi tháng 10, hơn 100 học sinh lớp 10 chuyên Lý và lớp 11 chuyên Sinh, trường chuyên Khoa học tự nhiên được tham quan các phòng thí nghiệm, máy gia tốc, làm bài thực hành Cơ học, tìm hiểu về máy in 3D tế bào, kính hiển vi điện tử quét SEM...

Ở Đại học Y Hà Nội, học sinh ngoài tham quan và tìm hiểu các ngành đào tạo, cũng được nghe một số bài giảng căn bản, điển hình về nghề, do các giảng viên của trường đứng lớp. Năm ngoái, học sinh được tiếp xúc với các mô hình giống người thật đến 99% tại Trung tâm huấn luyện kỹ năng điều dưỡng, hay tìm hiểu về các dụng cụ phức tạp để khám chữa bệnh Răng, Hàm, Mặt.

Bà Lê Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Truyền thông, cho biết các hoạt động nằm trong chương trình "One day in HMU" - một ngày làm sinh viên Đại học Y Hà Nội, bắt đầu cách đây 5 năm. Chương trình thường diễn ra vào tháng 4 hàng năm. Số lượng đăng ký lên tới hơn 1.000 nhưng nhà trường hiện chỉ đón tiếp được khoảng 400-500 học sinh bởi đặc thù của trường Y.

"Hoạt động này mất nhiều công sức, huy động gần như toàn trường tham gia nhưng đổi lại, chúng tôi giúp nhiều sinh viên nuôi dưỡng đam mê với ngành Y", bà Ngọc Anh chia sẻ. Bà ví dụ có học sinh nghĩ rằng học Y là chỉ làm việc trong bệnh viện nhưng sau khi trải nghiệm, em đó hiểu thêm rằng ngành Y còn có các lĩnh vực cận lâm sàng, làm việc trong phòng thí nghiệm. Có em thích nghe thầy cô giảng bài, đăng ký hai năm liên tiếp.

Học sinh tham gia bài giảng trên mô hình tại Trung tâm huấn luyện kỹ năng điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: Đại học Y Hà Nội

Học sinh tham gia bài giảng trên mô hình tại Trung tâm huấn luyện kỹ năng điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: Đại học Y Hà Nội

Là khối ngành khoa học xã hội, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS), năm nay lần thứ hai tổ chức khóa kỹ năng cho học sinh phổ thông. Theo bà Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng, khóa học miễn phí, bằng hình thức trực tuyến với 5 chuyên đề, gồm Định vị bản thân; Quản lý thời gian và tài chính cá nhân; Xây dựng thương hiệu cá nhân; Phát triển Trí tuệ cảm xúc và Làm chủ hiện tại - Vững bước tương lai.

Ví dụ, ở kỹ năng quản lý tài chính, các em được học cách quản lý dựa theo hũ chi tiêu. Với kỹ năng quản lý thời gian, người học biết cách lập kế hoạch dài hạn và ngắn hạn dựa trên tiêu chí SMART (cụ thể, đo đếm được, khả thi, thực tế và giới hạn thời gian).

Khóa đầu tiên thu hút hơn 300 học viên ở khắp các tỉnh, thành. Nếu đạt yêu cầu của khóa học và trúng tuyển vào trường, những em này được công nhận điểm học phần ở môn Kỹ năng bổ trợ. Đây cũng là những kỹ năng giúp học sinh dễ thích nghi với môi trường ở đại học.

ULIS còn có Ngày hội Đại sứ tập sự vào tháng 4-5 hàng năm, kể từ năm 2021. Học sinh được tham quan cơ sở vật chất như trường quay, sân vận động, không gian lớp học, câu lạc bộ. Các thầy cô sẽ thị phạm dạy, học ngoại ngữ ngay trên sân khấu, học sinh được thực hành và nhận chứng nhận ngoại khóa để dùng ở trường sau này.

Giảng viên mặc trang phục truyền thống của Nga thị phạm ngay trên sân khấu một số từ ngữ cho các đại sứ tập sự trong ngày hội năm 2022. Ảnh: ULIS TV

Giảng viên mặc trang phục truyền thống của Nga thị phạm ngay trên sân khấu ở ULIS, năm 2022. Ảnh: ULIS TV

Ngoài cho học sinh đến tham quan, các đại học cũng về tận trường THPT ở các tỉnh để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp theo chương trình riêng hoặc đề nghị hỗ trợ từ các nơi. Như Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp cận được khoảng 30.000-40.000 học sinh ở hàng chục trường phổ thông mỗi năm.

Các trường cho hay tổ chức hoạt động trải nghiệm phần lớn vì muốn hỗ trợ công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trước khi chọn ngành, nghề ở đại học. Đây là một nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018), mới áp dụng ở bậc THPT năm 2022. Bên cạnh đó, người học và xã hội cũng biết đến chương trình đào tạo nói riêng và trường nói chung.

Học sinh tham gia Lab tour khoa Vật lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên hôm 21/10. Ảnh: HUS

Học sinh tham gia Lab tour khoa Vật lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên hôm 21/10. Ảnh: HUS

Nguyễn Trần Ngọc Bích, sinh viên năm thứ nhất, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết nhờ tham gia khóa trải nghiệm của trường từ năm ngoái, cô tự tin và nhập cuộc nhanh hơn với cuộc sống đại học.

"Khóa học hữu ích, giúp em biết cách quản lý chi tiêu, sắp xếp thời gian hợp lý", Bích ví dụ. Nữ sinh còn thích các bài học về xây dựng thương hiệu cá nhân, đánh giá điều này quan trọng để xin việc làm sau này.

Chị Ngọc Ánh, phụ huynh lớp 10 chuyên Lý, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, cũng đánh giá những buổi tham quan ở trường đại học rất hữu ích. Quan sát con mình và các học sinh khác, chị Ngọc Ánh thấy các em hào hứng, hiểu và yêu khoa học hơn khi nhìn thấy những ứng dụng thực tế.

"Phụ huynh mong trường tổ chức hoạt động này nhiều hơn để học sinh được tiếp xúc thầy cô, tìm hiểu cách dạy và học ở đại học, cuộc sống sinh viên, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học và tự tin lựa chọn các ngành này trong tương lai", chị Ánh nói.

Bạn đang hoặc có nhu cầu học và thi chứng chỉ Toeic? Bạn chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc chưa tìm thấy công cụ nào để học mọi lúc, mọi nơi? Hãy tải ngay App Luyện Thi Toeic Online: TOEIC® Max

Màn hình ứng dụng Toeic Max

Bạn đang hoặc có nhu cầu học và thi chứng chỉ Toeic? Bạn chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc chưa tìm thấy công cụ nào để học mọi lúc, mọi nơi? Hãy tải ngay App Luyện Thi Toeic Online: TOEIC® Max

Màn hình ứng dụng Toeic Max